Thursday 18 October 2012

Sống thử


Mình được 1 người bạn gửi cho link của bài viết này:http://vnexpress.net/gl/ban-doc-viet/2012/04/chi-co-song-that-khong-the-song-thu/. Sau khi đọc xong cảm thấy rất bức xúc với cách nhìn hẹp hòi, cổ hủ và giáo điều của tác giả nên viết vài dòng dưới đây. Nếu các bạn quan tâm và có thời gian thì xin đọc link  bài viết: ‘Chỉ có sống thật, không thế sống thử’ trên VnExpress của Sỹ Văn để có ý kiến riêng trước khi đọc note của mình :D

Bác Sỹ Văn lập luận chắc chắn rằng:’ Bạn chỉ có một cuộc sống, nên dù bạn có sống kiểu gì thì bạn vẫn đang sống thật, vì mỗi giây trôi đi là bạn sẽ già đi một giây’. Vì vậy  trước hết thiêt nghĩ bác  không nên dung cụm từ ‘sống thử’ và những mặc định thiếu thiện cảm đi kèm mà nên sử dụng cụm từ ‘ sống chung’ như ý kiến của nhiều bạn trẻ. Đặt vào so sánh với ‘sống thật’ như cách bác viết, người đọc  mặc nhiên đc gợi ý rằng ‘sống thử’ là sống giả, là nông nổi, bồng bột, thiếu suy nghĩ , thiếu hiểu biết và thiếu chân thành. Thế nhưng bác và những người ủng hộ quan điểm của bác tại sao không thử vượt rào tư tưởng hẹp hòi của bản thân để nhận ra 1 khía cạnh khác của từ ‘thử’. Đấy là sự trải nghiệm. Tại sao 1 số trải nghiệm như du học và du lich đc ủng hộ và khuyến khích còn ‘sống chung ‘ lại bị phản đối kich liệt như vậy? Về cơ bản, ‘sống chung’ giống như du lịch và du học vậy, đó đều là những quá trình trải nghiệm mà người đi qua sẽ học được rất nhiều. Có lẽ bác đã quên câu ‘Học phải đi đôi với hành’ chăng khi bác bảo: ‘Do vậy, muốn có hiểu biết đầy đủ để chuẩn bị cho cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, người ta phải học hỏi nhiều điều từ nhiều (không phải một) người đi trước chứ không thể dựa vào kinh nghiệm chỉ của chính mình qua thời gian “sống thử” được’. Hôn nhân là việc hệ trọng và đồng ý rằng người trẻ nên trang bị những hiểu biết nhất định trước khi bước vào cuộc sống gia đình nhưng có lẽ trong bác vẫn mang nặng tư tưởng truyền thống giáo điều rằng cha mẹ bảo con nghe, rằng người đi trước bao giờ cũng đúng. Mỗi con người là 1 cá thể có tính cách và suy nghĩ riêng, mỗi cặp vợ chồng, mỗi gia đình là những hạt nhân xã hội riêng biệt, thì chỉ có thể tôn trọng kinh nghiệm của người khác thôi chứ không thể coi trọng những kinh nghiệm ấy hơn những gì mình trải qua được.

Lại nói tiếp về việc trải nghiệm, có những thứ không thử thì không biết được. Thứ nhất về mặt sinh lý, ngày xưa các cụ ‘nữ thập tam, nam thập lục’ là đã bắt đầu tòm tem, ngắm nghé nhau rồi. Đến đời ông bà, cha mẹ đầu 2 là đã bắt đầu lập gia đình và có con. Vậy thì tại sao lại hẹp hòi phản đồi quan hệ trước hôn nhân và sống chung (trong trường hợp đôi trẻ đều hiểu biết về vấn đề giới tính và có trách nhiệm với hành động của mình)? Như thế là các cụ có phần ích kỉ vói con trẻ nhé :)). Nó cũng thể hiện cái lêch lạc trong quan điểm triết học của người Việt khi coi trọng phần tinh thần hơn thể xác.  Yêu là sự hòa hợp và đồng điệu cả về thể xác lẫn tinh thần. Không thử rồi lấy nhau về để  rơi vào trường hợp ‘đuôi chuột ngoáy vại mỡ’ rồi ngậm đắng nuốt cay sống nốt mấy chục năm còn lại à? Bác bảo: ‘Và nỗi lo chẳng may có thai trước khi kết thúc giai đoạn “sống thử” sẽ khiến cho cuộc sống tình dục “vợ chồng thử” của các bạn không bao giờ có được niềm hạnh phúc tự nhiên như trong một cuộc hôn nhân hợp pháp’. Cái này chưa đúng. Thực ra bất kì ai trong mọi mối quan hệ, dù thật hay thử khi chưa sẵn sàng về tinh thần và điều kiện đều có phần lo lắng về chuyện ‘nhỡ’. Thuốc tránh thai không phải chỉ dành cho các em nữ sinh vượt rào hay các cặp sống chung mà nên nhớ rằng rất nhiều gia đình bình thường đang dùng chúng hàng ngày. Những đôi vợ chồng đảng viên gương mẫu đã có 2 con mà nhỡ có thai đứa thứ 3, các sếp đi vợ bé tay vịn chẳng may có con rơi thì cái nỗi lo ‘nhỡ’ nó ít hơn hoặc không hề tồn tại so với các cặp sống chung à?

 Về mặt tinh thần, nếu 2 năm sống thử còn không chịu được những tính xấu của nhau, thì khi lấy về cộng thêm những áp lực xung quanh rồi cơm áo gạo tiền, mẹ già đau ốm, con nhỏ ỉ ôi thì làm sao mà trụ được? Sống thử là 1 cơ hội giúp đôi trẻ học cách tự lập và hợp tác với đối phương. Tại sao trước khi mua vật dụng gì người ta lại muốn dùng thử;  trước khi sinh em bé, 2 vợ chồng đc khuyến khích đi học lớp nọ lớp kia rồi còn thực hành từ việc thay tã trở đi mà trước khi quyết định sống với 1 ai cả đời lại không đc thử, đc học trước? Một bộ phận giới trẻ quả thật có cái nhìn màu hồng về việc sống chung, rằng nó sẽ đẹp, yên bình và lung linh như trong phim nhiều tập Hàn Quốc. Nhưng chỉ có những ai sống chung rồi mới biết sự thật hoàn toàn khác. Sẽ có rất nhiều vất vả, cãi vã và nước mắt. Nó đòi hỏi sự dũng cảm, kiên trì và vị tha. Nhưng cũng từ sự trải nghiệm này nhiều người sẽ có tâm lý chuẩn bị và học cách đương đầu với những vấn đề phát sinh từ cuộc sống hôn nhân. Có lẽ nhiều cậu ấm cô chiêu đc bố mẹ bao bọc cả đời không phải động tay động chân vào việc gì đến lúc lập gia đình rồi vỡ mộng vì sao vợ mình không biết nấu ăn, chồng mình không biết sửa bóng đèn, sao nhìn người kia chỉ muốn đấm lại ước giá như mình có nhiều kinh nghiệm thực tế hơn.

Một trong những câu viết mà mình bất đồng nhất với tác giả là: ‘Hơn nữa, vì khi “sống thử” chỉ có hai người coi nhau là vợ chồng, còn xã hội và gia đình (họ hàng) thì không, nên chẳng có ai giúp đỡ cho “vợ chồng” bạn khi gặp những khó khăn trục trặc nhỏ để nó không bùng phát thành mâu thuẫn lớn. Chẳng có ai bảo vệ “gia đình” của bạn khi có kẻ thứ ba nhòm ngó.’ Cái câu này thể hiện rõ tư tưởng cộng đồng, làng xã, phường hội của người Việt Nam. Có mọi người xung quanh ủng hộ thì tốt thôi, nhưng 2 người chủ động đến với nhau bằng tình cảm thì đến lúc không yêu nữa cũng chẳng ai can nổi. Đâu phải cứ bạn bè gia đình xung quanh là có thể bảo vệ bạn qua hết sóng gió trong cuộc đời. Bao nhiêu chị vợ bị chồng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay hàng ngày mà không dám kêu ai hoặc người thân biết thì cũng làm đc gì? Danh chính ngôn thuận thì cũng không phải là cái tem bảo đảm vì trước cuộc sống này xác suất rủi ro của mỗi người là ngang nhau. Và tại sao lại cứ thiếu lòng tin vào người trẻ rằng họ không thể giải quyết những vấn đề của riêng mình mà luôn cần sự hỗ trợ của những người xung quanh. Về căn bản những vấn đề lứa đôi thì chỉ có 2 người trong cuộc giải quyết với nhau đc thôi vì ‘lắm thầy thì thối ma’ mà.

Và như thể chưa làm bạn đọc đủ quay cuồng với những lý thuyết nực cười của mình bác táng thêm 1 đoạn như sau:

Cuộc sống hiện đại và luật pháp của nước ta cho phép kết hôn và ly hôn cũng đều rất dễ dàng, miễn là nó đem lại cuộc sống cho người ta hạnh phúc hơn. Thế thì cần gì phải “sống thử” nữa.
Nếu đã thấy tin yêu được nhau, thì cứ kết hôn và sống thật với nhau đi. Nếu sau một thời gian thực sự thấy không phù hợp, thì ra tòa mà chia tay nhau cho đàng hoàng, rồi làm lại từ đầu.
Chắc chắn rằng kinh nghiệm hôn nhân của người đã ly hôn một lần sẽ đầy đủ và đúng đắn hơn nhiều so với kinh nghiệm của một người đã qua mười lần “sống thử’.
Một người đã ly dị và kết hôn lần hai sẽ chín chắn và có cơ may thành công trong hôn nhân hơn một người kết hôn “lần đầu’ sau khi đã “sống thử” nhiều lần.’

Ở trên thì bác ca ngợi cuộc sống thật, tung hô cái mảnh giấy hôn thú nhưng phía dưới lại xem hôn nhân như 1 trò chơi. Thích thì lấy nhau chán rồi thì bỏ. Thế nhỡ có con cái rồi thì để cho ai? Cha mẹ hạnh phúc đường cha mẹ còn hạnh phúc ở chỗ nào cho những đứa con từ những ra đình tan vỡ? Nếu coi hôn nhân thực sự là chuyện nghiêm túc, thì nên xem sống chung là 1 bước đệm giúp đôi trẻ có quyết định đúng đắn hơn. Nếu coi ly hôn là 1 vấn đề của xã hội thì tại sao không tăng cường các biện pháp ‘phòng bệnh hơn chữa bênh’. Tại sao cứ sắp bỏ nhau mới ra tòa hòa giải mà không về sống chung  trước để xem có nên kí vảo tờ giấy kết hôn không đã? Cuộc sống gia đình muôn mặt, mỗi nhà mỗi khác, vì vậy cũng không nên đặt ra 1 cái tiêu chuẩn chung vô hình rồi bảo là người này có kinh nghiệm hơn người kia. Trong chuyện tình cảm ai cũng có nguy cơ bị tổn thương như nhau mà thôi, yêu thương và đến với 1 ai đấy là 1 ván cược, được ăn cả, tức là hạnh phúc, ngã về không tức là đau khổ. Chẳng có ai có thể vỗ ngực tự nhận là mình có cơ may thành công hơn thằng khác cả. Và cái điểm thối nhất của bài viết này là mình chắc rằng gia đình bác Sỹ Văn là 1 gia đình kiểu mẫu, bác chưa phải sống thử hay bỏ vợ bao giờ nên bác có  thể hô hào theo kiểu ‘sống già lên lão làng’. Mình chắc chắn rằng bác không thể hiều dấu ấn buồn của 1 gia đình tan vỡ lên 1 đứa trẻ. Bác cũng không thể hiểu để hòa nhập với mẹ kế hay cha dượng hay 1 gia đình mới vất vả như thế nào. Khác với bác Sỹ Văn mình không hô hào miệng mà mình nói từ kinh nghiệm của 1 đứa con có bố mẹ bỏ nhau. Còn nói như bác những người đã từng ly hôn thì sẽ chin chắn và có cơ may thành công hơn lại càng sai vì nghiệm ra ba mẹ mình hoàn toàn không vậy, chuyện này thực sự mỗi người mỗi khác.

Nhà mình có kiểu thay vì lấy ý kiến quần chúng rồi quyết định thì 1 bộ phận đứng lên quyết định hộ 1 vấn đề là tốt hay xấu. Nếu tốt thì tung hô, o bế đủ kiểu, cổ động làm theo. Nếu quyết nó là xấu thì phải cố bới lông tìm vết cho tỏ tường hết những cái xấu xa và cố tình hay vô ý lờ tịt những mặt tốt của nó đi.  Bài viết này cũng vậy. Tại sao lại có những cuộc đối thoại 1 chiều vô nghĩa như thế này? Điều cần hơn cả là trang bị kiến thức giới tính cho giới trẻ, để các bạn có thể biết và hiểu những vấn đề liên quan trước khi quyết định. Thay vì ngăn cấm  và áp đặt con cái tại sao các bậc cha mẹ không học cách làm bạn và đối thoại với con.Thiếu hiểu biết mà sống chung thì quả thật dễ dẫn đến nhiều hậu quả không lường. Nhưng cái quãng thời gian sống chung không hoàn toàn vô nghĩa hay mất không như bác khẳng định. Bác lại quên mất câu ‘Học, học nữa, học mãi’ rồi. Có thất bại mới có cơ hội để vươn lên và phát triển. Hồi nhỏ làm sai chuyện gì, bố mẹ lôi ra mắng, thậm chí đánh để đau rồi nhớ, lần sau chừa. Dù 2 người không đến với nhau sau khi sống chung thì không phải không rút ra những bài học đáng giá sau đấy.

Tóm lại là cuộc sống rất ngắn ngủi, nếu thử đc thì cứ thử còn hơn về sau ngồi luyến tiếc tại sao lúc đấy mình không dám thử. Thử rồi ngã, đứng lên và biết đế lần sau tránh hoặc làm tốt hơn. Sống chung là cần thiết và không sai chỉ là không nên khi người trong cuộc chưa chắc chắn với quyết định của mình và đủ hiểu biết để đương đầu với những hệ lụy đi kèm thôi. Có lẽ cái không nên ở đây là cái nhìn cổ hủ, áp đặt và thiếu thiện chí với những hiện tượng mới trong xã hội thôi.

No comments:

Post a Comment